Trẻ em là đối tượng rất dễ bị mất cân bằng nước và điện giải mỗi khi bị sốt, tiêu chảy hoặc vui chơi ngoài trời. Do đó, việc bù nước cho trẻ là rất cần thiết.
1. Dung dịch bù nước khuyên dùng
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và các bác sỹ, trong trường hợp mất nước nhẹ và vừa phải, phụ huynh nên bổ sung nước cho trẻ bằng đường uống với:
- Dung dịch bù điện giải
- Sữa mẹ hoặc sữa công thức (đối với trẻ dưới 1 tuổi; trẻ trên 1 tuổi có thể uống nếu như không bị nôn)
Phụ huynh không nên sử dụng các loại đồ uống sau để thay thế dung dịch điện giải. Do chúng chứa quá ít natri và quá nhiều carbohydrate, có thể gây mất nước nghiêm trọng hơn:
- Nước uống thể thao
- Nước hoa quả
- Nước Soda
- Trà
- Hạn chế nước lọc vì hiệu quả bù nước không đủ, không nhanh
2. Bù nước điện giải đúng cách
Phụ huynh nên cho trẻ uống chậm, uống đều trong ngày, mỗi lần uống một lượng chất lỏng nhất định như sau:
- Đối với trẻ dưới 1 tuổi: Sau 5-10 phút, uống 5-10ml (1-2 muỗng cà phê) dung dịch điện giải hoặc sữa
- Đối với trẻ trên 1 tuổi: Cứ mỗi 20 phút, cho trẻ uống 15-30ml dung dịch
Ngoài ra, phụ huynh nên dựa trên cân nặng của trẻ để tính lượng chất lỏng tối thiểu cần bổ sung trong 1 giờ. Ba mẹ có thể tham khảo bảng sau:
Cân nặng | Lượng dung dịch tối thiểu trong 1 giờ* |
---|
Từ 3 - 4.5kg | Ít nhất 60ml |
Từ 5 - 7kg | Ít nhất 75ml |
Từ 7 - 9.5kg | Ít nhất 105ml |
Từ 9.5 - 18kg | Ít nhất 195ml |
Từ 18.5 - 27kg | Ít nhất 300ml |
Lưu ý:
- (*) Lượng dung dịch tối thiểu có thể thay đổi nếu trẻ có tình trạng nôn mửa, tiêu chảy hoặc sốt
- Không ép trẻ uống, không đánh thức trẻ dậy để uống nước
- Nếu trẻ bị nôn, hãy chờ 30 - 60 phút sau và cho trẻ uống một lượng nhỏ dung dịch
3. Khi nào trẻ cần phải gặp bác sỹ
Hãy ngay lập tức gọi điện cho bệnh viện, cơ sở y tế gần nhất nếu như biểu hiện mất nước của trẻ không thuyên giảm sau 24 giờ bổ sung dung dịch (hoặc sữa).
Tham khảo ngay: Biểu hiện mất nước của trẻ
Bên cạnh đó, nếu trẻ có các biểu hiện dưới đây, ba mẹ cũng cần đưa trẻ tới gặp bác sỹ để kịp thời điều trị:
- Không đi tiểu.
- Nước tiểu rất sẫm màu.
- Trẻ sơ sinh (0 - 4 tháng tuổi) tiểu ít, thay dưới 6 tã/ ngày.
- Trẻ từ 4 tháng tuổi trở lên: đi tiểu ít hơn 3 lần/ ngày.
- Miệng khô hoặc dính.
- Thở khó hoặc thở nhanh.
- Trẻ khóc không có nước mắt
- Đôi mắt trũng sâu.
- Thóp bị trũng hoặc thụt vào trong.
- Ngủ li bì, mơ màng, khó tỉnh táo.
- Dịch nôn có máu, có đốm màu nâu sẫm trông giống bã cà phê hoặc có màu xanh tươi.
- Nôn mửa hoặc tiêu chảy nghiêm trọng hơn (hoặc xảy ra thường xuyên hơn).
- Trẻ bị sốt cao:
- Dưới 3 tháng tuổi: 38° C trở lên.
- Trên 3 tháng: Từ 40°C trở lên; hoặc trên 38,9°C trong hơn 2 ngày
4. Tham khảo
- Nationwide Children's Hospital, "Dehydration: Giving Liquids at Home", available at Nationwide Children's Hospital.
- Michael F. Cellucci, "Oral Rehydration", available at MSD Manual for Professional.